Nguy cơ lây nhiễm chéo khi bệnh viện quá tải

Bên cạnh những diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết (SXH), những dịch bệnh khác như tay chân miệng, bệnh hô hấp cũng gia tăng, khiến cho các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Nguy cơ lây nhiễm bệnh chéo đang là điều khiến các bệnh viện lo ngại.


Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân chen chúc ở các cửa phòng khám, nhiều người phải bế con đứng hoặc đi lại vì không còn ghế ngồi chờ. Phần lớn các bệnh nhi tới đây khám đều trong tình trạng bị sốt vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Anh Dương Minh Khương (Hà Đông, Hà Nội) lo lắng: “Con tôi sốt cao đã 2 ngày, khu nhà tôi đang có dịch SXH nên tôi cho cháu đi khám, nhưng đến bệnh viện thấy bệnh nhân đông quá lại lo ngại hơn. Hầu hết mọi người chưa biết con bị bệnh gì để cách ly với các bệnh nhân khác, cơ thể cháu đang yếu, nên tôi rất sợ cháu bị lây thêm các bệnh dịch trong bệnh viện”.

Không chỉ Bệnh viện Nhi Trung ương quá tải, theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, là nơi đang thu dung và điều trị các bệnh nhân SXH, có những ngày cao điểm nhiều bệnh nhân SXH cùng nhập viện, bệnh viện phải bố trí giường tại các khoa phòng khác để có chỗ nằm điều trị.

Tình trạng quá tải làm tăng khả năng lây nhiễm chéo. Ảnh: Đan Phương

Còn tại TP Hồ Chí Minh, khoa SXH và khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi đồng 1 thông với nhau một hành lang. Do bệnh hô hấp khá đông, nên tại khoa này hầu như giường bệnh và hành lang của khoa đều chật cứng người bệnh nằm. Nhiều bệnh nhi phải nằm nhờ bên hành lang của khoa SXH, cùng với các bệnh nhân bị mắc SXH.

Tình trạng quá tải trên tại các bệnh viện đang dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh tại các bệnh viện. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Bệnh nhân SXH không lây sang các bệnh khác vì bệnh này chủ yếu lây qua đường truyền của muỗi. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất hiện nay là các bệnh nhân khác như tay chân miệng, hô hấp có thể lây sang bệnh nhân SXH. Do đó, các bệnh viện phải tính toán phân tuyến từ chỗ khám bệnh đến trong khu vực điều trị thật tốt.

Theo bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2: Bệnh viện đã tổ chức phòng khám SXH riêng biệt tại khoa khám. Tất cả các bác sĩ tham gia công tác khám chữa bệnh tại bệnh viện đều phải được tập huấn xử lý, phát hiện phân loại kịp thời và điều trị đúng phác đồ cho bệnh nhi bị SXH. Đồng thời bệnh viện cũng chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế và nhân sự để đảm bảo ứng phó với dịch bệnh. Để tránh trường hợp lây nhiễm chéo khi bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện, khu vực bệnh nhân điều trị SXH nằm riêng biệt với các bệnh nhân nhiễm tây chân miệng, bệnh hô hấp...

“Bệnh viện quá tải một phần do tâm lý muốn đưa người bệnh lên tuyến trên điều trị cho yên tâm. Để hạn chế tình trạng này, điều quan trọng là phải có sự phân tuyến trong điều trị và tăng cường tập huấn cho các bệnh viện tuyến dưới. Từ đó, bệnh nhân yên tâm hơn và không kéo lên bệnh viện tuyến trên”, bác sĩ Lê Thị Bích Liên, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương: Hơn 90% số ca mắc SXH hoàn toàn có thể điều trị được ở tuyến dưới. Từ năm 2011, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh SXH theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới nên các bệnh viện đều có thể điều trị tốt bệnh này. “Chúng tôi cũng gặp nhiều trường hợp ở Hà Nội bị SXH dạng nhẹ nhưng cứ tha thiết xin vào viện điều trị, chúng tôi phải cam kết bệnh viện rất ít giường bệnh, khuyên người bệnh xuống tuyến dưới hoặc về nhà theo dõi, nếu bệnh trở nặng chúng tôi sẵn sàng đón nhận bệnh nhân vào điều trị”, ông Kính cho biết.

Ông Kính cũng khuyến cáo, người dân không nên cứ thấy sốt là lên tuyến trên khám gây nên quá tải cho các bệnh viện tuyến trên và làm tăng khả năng lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Đan Phương - Tạ Nguyên
Nỗ lực ngăn chặn dịch sốt xuất huyết
Nỗ lực ngăn chặn dịch sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang diễn biến phức tạp khi số ca nhập viện vẫn chưa có chiều hướng giảm xuống và xuất hiện nhiều ca nặng. Tính đến nay, cả nước đã có 40.000 ca bệnh, trong đó có gần 30 trường hợp tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN