Không nên vội vàng nong bao quy đầu quá sớm cho trẻ

Khi phát hiện con bị hẹp bao quy đầu, nhiều người vội vàng cho trẻ đi nong bao quy đầu quá sớm mà không tìm hiểu kỹ nguyên nhân sinh lý hay bệnh lý, thậm chí đưa đi nong ngay khi mới chỉ vài tháng tuổi, mà không biết sẽ làm bé bị đau đớn hoặc gây ra những biến chứng khôn lường.

Bác sĩ đang khám cho một trường hợp trẻ bị nghi lây nhiễm sùi mào gà do được điều trị chít hẹp bao quy đầu tại một phòng khám không có chuyên môn ở Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Theo bác sĩ Trần Thu Thủy, bệnh viện Nhi Trung ương: Khi can thiệp ngoại khoa dưới các hình thức như nong hoặc cắt bao quy đầu, có thể gây ra các biến chứng cấp tính như: Chảy máu, phù nề, nhiễm trùng, tổn thương quy đầu hoặc niệu đạo; hoặc các tật mãn tính về sau như: sẹo xấu, hẹp da quy đầu tái phát hẹp lỗ tiểu hoặc rò niệu đạo.


Bao quy đầu là phần da che phủ quy đầu. Hẹp bao quy đầu (phimosis) là tình trạng bao da bó chặt qui đầu, không thể lộn hoàn toàn ra khỏi qui đầu được. Khi mới sinh, đa số trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý, những trường hợp khi trẻ lớn lên sẽ tự khỏi. Tỷ lệ bé trai hẹp bao quy đầu giảm dần theo lứa tuổi. Còn hẹp bao quy đầu bệnh lý là hẹp thực sự vì có sẹo xơ, hình thành sau viêm nhiễm hoặc do cố gắng quá mạnh để nong bao quy đầu trước đó.


Cũng theo bác sĩ Trần Thu Thủy, khi phát hiện trẻ bị hẹp bao quy đầu, cha mẹ có thể tự khắc phục bằng cách kéo căng da quy đầu bằng tay mỗi ngày. Có thể kéo da quy đầu bằng tay kết hợp bôi thuốc mỡ chứa steroid. Bài tập kéo căng da quy đầu thực hiện 2- 3 lần/ngày và thường có kết quả trong vòng 1-2 tháng. Cha mẹ chú ý khi thực hiền động tác kéo căng bao quy đầu phải làm một cách từ từ, nhẹ nhàng, lần sau kéo căng nhiều hơn lần trước, dần dần lớp bao da sẽ giãn dần.


Phương pháp này đòi hỏi sự kiên trì, phối hợp tốt giữa cha mẹ và trẻ, và đặc biệt là tuân thủ kỹ thuật, tránh gây biến chứng tạo sẹo sau này. Nếu sau 1 tháng không thấy kết quả, mới chuyển sang phương pháp kết hợp bôi thuốc mỡ chứa steroid.


Các bác sĩ cũng khuyến cáo, với bé trai dưới 4 tuổi thì không nên cố gắng nong bao quy đầu bằng tay vì có thể gây dính và sẹo xơ, dẫn tới hẹp bao quy đầu thứ phát.


Với bé trên 4 tuổi, hoặc nhỏ hơn 4 tuổi nhưng có kèm các biểu hiện bất thường như tiểu khó (khi tiểu bé phải rặn, đỏ mặt hoặc khóc lóc, bao quy đầu phồng lên…) hoặc da quy đầu thường viêm nhiễm tấy đỏ thì nên lần lượt áp dụng hai biện pháp trên, nếu không có kết quả mới phải thực hiện các thủ thuật ngoại khoa như: Nong hoặc cắt bao quy đầu.


TN/Báo Tin Tức
Bộ Y tế vào cuộc vụ hàng loạt bé trai bị viêm nhiễm sùi mào gà ở Hưng Yên
Bộ Y tế vào cuộc vụ hàng loạt bé trai bị viêm nhiễm sùi mào gà ở Hưng Yên

Sáng 19/7, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, thông qua Đường dây nóng, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Hưng Yên khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ việc nhiều bé trai bị viêm nhiễm sùi mào gà sau khi cắt bao quy đầu tại một phòng khám tư ở Hưng Yên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN