Cơ hội mới cho hàng Việt vào EU

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước rất nhiều cơ hội về hợp tác kinh tế, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do giữa hai bên sắp có hiệu lực.

Lợi ích về nhiều mặt

Tại phiên họp báo công bố kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU chiều 4/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tính từ khi chính thức khởi động đàm phán ngày 26/6/2012, hai bên đã trải qua 14 phiên đàm phán chính thức cùng nhiều phiên đàm phán giữa kì, trao đổi. Thực tế, kim ngạch thương mại song phương năm 2000 chỉ đạt 4,1 tỷ USD nhưng đến năm 2014 đã đạt 36,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang EU đạt gần 28 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt gần 9 tỷ USD. Điều này cho thấy, nhu cầu hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai bên là rất lớn và sẽ còn phát triển rất cao trong thời gian tới.

Ngành da giày sẽ được hưởng nhiều lợi ích sau khi FTA Việt Nam – EU có hiệu lực bởi đây đang là mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào thị trường EU. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN


“Điểm nổi bật của FTA này là tính bổ sung chặt chẽ giữa hai nền kinh tế. Có rất ít lĩnh vực mà hai bên phải cạnh tranh trực tiếp với nhau. Do đó, sau khi FTA chính thức được kí kết sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả hai bên. Đây là hiệp định toàn diện nên nhiều lĩnh vực đàm phán như mở cửa thị trường, đầu tư, mua sắm công, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, thuế… sẽ được hưởng lợi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về xuất nhập khẩu, hai bên sẽ xóa bỏ thuế đối với hơn 99% dòng thuế. Đối với số ít dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. FTA sẽ giúp mở rộng cửa cho các sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, đồ uống có cồn của EU. Đây được coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đã đạt được trong các FTA mà Việt Nam đã kí kết tới nay.

Trong thông cáo báo chí của Ủy ban châu Âu, bà Malstrom, Cao ủy thương mại của EU đánh giá, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển. Khi hiệp định này đi vào thực thi, nó sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp (DN) hai phía, thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ.

“Những nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ có được cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn đối với thị trường EU khi xuất khẩu các sản phẩm của mình”, bà Malstrom cho biết. Cụ thể, nhiều loại hàng hóa nông sản của Việt Nam như trà Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột… sẽ được bảo vệ về chỉ dẫn địa lý, một điều kiện quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU.

Doanh nghiệp phải chủ động

Theo nội dung đàm phán, EU cam kết giảm gần như toàn bộ dòng thuế xuất khẩu cho Việt Nam, tuy nhiên, để hàng hóa Việt Nam vào được thị trường này thì còn cần rất nhiều nỗ lực. Ông Franz Jessen, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam chia sẻ: “Hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào EU có sản phẩm tốt, có sản phẩm chưa tốt. Có những thực phẩm có tiêu chuẩn rất khác biệt giữa hai thị trường. Do đó, DN cần tập trung vào vấn đề chất lượng nếu muốn xuất khẩu thực phẩm”.

Đồng tình với điều này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, các DN phải cố gắng hết sức mình. Bên cạnh vai trò dẫn dắt của Nhà nước, DN phải chủ động trong kế hoạch đầu tư, học tập kinh nghiệm của các DN nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là kinh nghiệm quản trị DN.

Để hỗ trợ cho DN, Bộ trưởng cho biết, sau khi hiệp định chính thức được kí kết, Bộ Công Thương sẽ chủ trì việc tuyên truyền, giới thiệu nội dung hiệp định để DN nắm bắt. Bằng các chương trình hợp tác giữa các bộ, ngành, cũng như với các cơ quan nước ngoài, Bộ sẽ tạo điều kiện cho DN Việt Nam tham gia xúc tiến thương mại, trao đổi với các đối tác EU. “Thông qua việc nghiên cứu kỹ hiệp định, DN sẽ nhận rõ đâu là thuận lợi và khó khăn, đồng thời có chiến lược phù hợp để nâng cao tính cạnh tranh”, ông Hoàng nói.

Riêng đối với lĩnh vực nông sản được coi là thế mạnh của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam như gạo, thủy sản, rau quả sẽ được EU dành ưu đãi về thuế suất nhưng phải đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngược lại, sản phẩm thế mạnh của EU như lúa mì, hoa quả ôn đới, các sản phẩm chăn nuôi… cũng sẽ xâm nhập vào Việt Nam.

Tại buổi họp báo, ngài Đại sứ Franz Jessen cũng cho biết, ngay từ ngày đầu tiên thực hiện FTA thì một tỉ trọng lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được thâm nhập vào thị trường EU mà không còn thuế. Sau đó tiến tới mục tiêu 65% sản phẩm của Việt Nam được hưởng thuế xuất khẩu 0% sang EU. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết thêm, hai bên đã thống nhất sẽ đẩy nhanh các nội dung còn lại để tiến đến chính thức kí kết hiệp định (dự kiến cuối năm).

Hoàng Dương
Sang Nga tìm hàng Việt
Sang Nga tìm hàng Việt

Ngày 29/5/2015, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan chính thức được ký kết. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, như dệt may và thủy sản...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN