Lo Nga-Trung, Mỹ phát triển tên lửa tối tân MOKV

Trước những bước phát triển mạnh mẽ trong chương trình tên lửa của Nga và Trung Quốc, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) mới đây đã tái khởi động chương trình phát triển tên lửa thế hệ mới có tên gọi là MOKV - một loại vũ khí tối tân có thể tiêu diệt nhiều tên lửa đạn đạo cùng lúc với duy nhất một thiết bị từ mặt đất.

Ảnh minh họa: Military

Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng "Scout Warrior" (Mỹ), Kris Osborn, vừa có bài phân tích về vấn đề này đăng trên trang tin "National Interest".

Các tên lửa đạn đạo có 3 giai đoạn hành trình: giai đoạn tăng độ cao bắt đầu từ lúc phóng đến khi động cơ đẩy sử dụng hết nhiên liệu giúp tên lửa xuyên qua bầu khí quyển; giai đoạn giữa (giai đoạn dài nhất) khi tên lửa bay theo quỹ đạo parabol vào khoảng không vũ trụ, khi đạt độ cao tối đa đầu đạn sẽ được tách ra và dần mất độ cao; và giai đoạn cuối khi đầu đạn quay trở lại bầu khí quyển và thường lao tới mục tiêu trong thời gian chưa đến một phút (khác với tên lửa hành trình sử dụng động cơ phản lực để bay thấp và ngang mặt đất để tránh radar trước khi tấn công mục tiêu). Theo ông Kris Osborn, MOKV được thiết kể để tiêu diệt tên lửa ở giai đoạn giữa- khi tên lửa đang bay trên vũ trụ và đầu đạn bắt đầu tách ra. Trong giai đoạn này, khó khăn lớn nhất đối với các hệ thống đánh chặn hiện nay là các đầu đạn thường bị lẫn vào các mảnh vỡ thiên thạch đang trôi nổi với số lượng lớn trong vũ trụ. Để giải quyết vấn đề này, MOKV được trang bị những bộ cảm biến và máy tính xử lý tốc độ cao để có thể phân biệt rõ đâu là đầu đạn tên lửa và đâu là mảnh vỡ thiên thạch. Ngoài ra, MOKV có thể đồng thời tiêu diệt các tên lửa đạn đạo và tất cả những vật thể khả nghi xung quanh, nhằm đối phó với công nghệ nghi binh đầu đạn tên lửa ngày càng tinh vi.

Do tính chất quan trọng của MOKV, Lầu Năm Góc đã chọn những tên tuổi lớn nhất trong giới công nghệ quân sự của Mỹ là Raytheon, Lockheed Martin và Boeing làm nhà thầu phát triển chương trình này. Steve Nicholls, Giám đốc các Chương trình Công nghệ Cao của Tập đoàn Sản xuất Tên lửa Raytheon cho rằng đây thực chất chỉ là bước tiếp nối của Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI), thường được gọi là “Chiến tranh giữa các vì sao”, do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đề xuất từ những năm 1980. Ông nhấn mạnh thêm rằng: "Nhằm đẩy nhanh hoàn thiện công nghệ và có thể chính thức cho ra đời sản phẩm mang tên MOKV vào năm 2022, các cơ quan nghiên cứu công nghệ quân sự và dân sự Mỹ cần tập trung xử lý, giải quyết một loạt vấn đề kỹ thuật, công nghệ hiện đại, bao gồm các bộ phận cảm biến thông minh mới, bộ vi xử lý tín hiệu đầu vào, công nghệ truyền thông và tự động hóa... đối với hệ thống tên lửa hiện đại này". Trong khi đó, Tập đoàn Sản xuất Tên lửa Raytheon mô tả việc phát triển MOKV như một bước đột phá về công nghệ, kỹ thuật tiên tiến được gọi là "công nghệ mở" với việc tích hợp hàng loạt vấn đề công nghệ mới khi thế hệ tên lửa này xuất hiện. Chiến lược MOKV sẽ cho phép Mỹ giải quyết triệt để và hiệu quả tối ưu đối với các mối đe dọa tiềm ẩn từ không gian bao la và mối nguy hiểm khôn lường từ bên ngoài.

Doug Graham, Phó Tổng Giám đốc phụ trách về Công nghệ Tên lửa của Lockheed Martin đã gọi MOKV là "bước nhảy vọt" về công nghệ nhằm giảm thiểu chi phí (vốn rất cao) để phát triển các hệ thống lá chắn tên lửa hiện nay và nêu rõ: “Những kỹ sư của chúng tôi sẽ vận dụng tư duy đột phá để tạo ra một hệ thống tên lửa có độ chính xác và hiệu suất 'tiêu diệt' các loại tên lửa của đối phương cực cao, nhất là hoạt động bên ngoài tầng khí quyển và di chuyển với vận tốc hàng nghìn km/h”. Tuy nhiên, để đưa vào sản xuất "hàng loạt" loại tên lửa thế hệ mới MOKV trong 8 đến 10 năm tới là cả một quá trình rất nhiều khó khăn, phức tạp khi phải cần tới một đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia và nhà kỹ thuật giỏi trong nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ và nguồn tài chính khổng lồ cũng như sự quan tâm đặc biệt của chính phủ, Bộ Quốc phòng, nhất là Cơ quan Phòng thủ tên lửa (MDA) của nước Mỹ.

Theo MDA, việc đưa vào nghiên cứu và sản xuất loại tên lửa hiện đại này là nhằm cạnh tranh với những loại tên lửa thế hệ mới đang được Nga và Trung Quốc nghiên cứu và thử nghiệm. Đặc biệt, nếu Mỹ không triển khai ngay từ bây giờ thì có thể sẽ bị tụt hậu về các thế hệ tên lửa hiện đại và mất dần khả năng "răn đe" trong tương lai gần.

TTXVN/Tin Tức
Mỹ phản pháo Nga về lá chắn tên lửa tại châu Âu
Mỹ phản pháo Nga về lá chắn tên lửa tại châu Âu

Mỹ bày tỏ quan ngại trước tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai tại châu Âu là một mối đe dọa an ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN