Những người lính bất tử - Kỳ 4: Dòng máu Trường Sa

Máu ba tôi đã hòa lẫn nước biển Trường Sa. Tôi mang dòng máu Trường Sa vì ba tôi nằm lại nơi ấy. “Ba ơi, con đến thăm ba đây. Mẹ vẫn không thể nguôi ngoai được, kể từ ngày ba nằm lại Gạc Ma”. Nước mắt người con gái chảy tràn trên má. Chị nghẹn lại đưa tay đỡ tràng hoa cùng các chiến sĩ thả xuống biển trọn niềm đau vô bờ. Người con gái ấy là Trần Thị Thủy, con của liệt sĩ Trần Văn Phương- người anh hùng đã tô thắm cờ Tổ quốc bằng máu của mình.

Thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa. Ảnh: Mai Thắng


Nước mắt rơi nơi cha nằm xuống

Tháng 3/2010, tôi cùng đoàn công tác hành trình đi Trường Sa và các nhà giàn DK1 trên con tàu HQ-936 của Vùng 4 Hải quân. Trong hơn 100 thành viên đến từ nhiều tỉnh khác nhau, có chị Trần Thị Thủy, con gái Thiếu úy Trần Văn Phương- người anh hùng với câu nói nổi tiếng đã anh dũng hi sinh trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988. Lần đầu tiên đến Trường Sa, chị Thủy không kìm được xúc động, khi loa của tàu HQ-936 phát bản truyền thanh nội bộ, kể về gương anh dũng hi sinh của 64 cán bộ chiến sĩ trên rạn đá sạn hô Gạc Ma.

Sau khi thăm cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin, tàu HQ- 936 chạy hướng Sinh Tồn, cách Cô Lin 3 hải lý. Theo thông lệ của những người đi biển, tàu thả neo làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa. Cầm bông huệ trắng thả xuống biển, chị Thủy nghẹn ngào, nước mắt tràn mi: “Ba ơi, con đến thăm ba đây. Mẹ vẫn không thể nguôi ngoai kể từ ngày ba hi sinh. Mong linh hồn ba yên nghỉ vĩnh hằng”. Trời bỗng dưng nổi giông gió. Cơn mưa biển như trút nước cũng không ngăn được những bước chân của hơn 100 thành viên. Tất cả lặng lẽ cầm hoa huệ trắng, đến bên mạn tàu thả xuống lòng biển cùng lời tiễn biệt.

Sau những phút giây xúc động, Thủy kể cho chúng tôi nghe câu chuyện “con mồ côi ba” từ mẹ cô kể lại: Khi Thiếu úy Trần Văn Phương chia tay vợ lên tàu đi Trường Sa, bà Mai Thị Hóa không biết trong bụng mình đang mang giọt máu của chồng. Ngày anh Phương hi sinh, bà Hóa như mất nửa thân mình. Và cũng từ ấy, bà biết bà có thai. Đặt tay lên bụng mình, bà Hóa gào khóc trong đau đớn “Con chưa sinh ra đã mồ côi ba. Ba con đã hi sinh ở Trường Sa rồi”.

Người con gái ấy sinh ra không biết mặt ba. Em cứ thắc mắc trẻ con hàng xóm có ba sao nhà mình không có. Mỗi lần như vậy, mẹ Thủy lại ôm Thủy vào lòng rồi khóc. Một lần, bà Hóa dẫn em lại trước bàn thờ và chỉ lên di ảnh của liệt sĩ Trần Văn Phương, bà nói “Đó là ba con”, đã hi sinh tại Trường Sa.

Sau đó, bà đưa cho Thủy xem những tấm ảnh đã úa vàng trước khi anh Phương chưa nhập ngũ và những lá thư của chồng viết từ Gạc Ma chưa kịp gửi về mà bà nhận được cùng ngày có giấy báo tử. “Lúc đó hai chữ Trường Sa thân thương đến lạ kỳ. Em cảm nhận được sự hi sinh của ba và em luôn mong một ngày nào đó được đến nơi ba đã ngã xuống, để thả xuống đó một nhành hoa”, Thủy khóc. Nước mắt của con gái người anh hùng đất Quảng nén chặt vỡ òa trong nỗi đau.

Noi gương cha, tình nguyện đi Trường Sa

Chị Trần Thị Thủy, con của liệt sĩ Trần Văn Phương. Ảnh: Minh Phong


Mặc dù mồ côi ba từ khi chưa chào đời, nhưng Thủy lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ. Bà Mai Thị Hóa thấu hiểu thiệt thòi của đứa trẻ mồ côi ba nên dành tất cả tình yêu cho con gái và luôn mong con nối nghiệp của người chồng.

Càng lớn Thủy càng thấy hai chữ Trường Sa gần gũi như máu thịt của mình. Ngày tốt nghiệp ra trường, Thủy nói với mẹ sẽ viết đơn xin vào đơn vị của ba. Bà Hóa gật đầu ngấn lệ. Đơn tình nguyện Thủy viết: “Cháu muốn tiếp bước cha của cháu đã bảo vệ Trường Sa đến hơi thở cuối cùng. Máu ba cháu đã hòa lẫn nước biển Trường Sa. Cháu mang dòng máu Trường Sa vì ba cháu nằm lại nơi ấy”.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Thủy bắt xe đò từ Quảng Bình vào Lữ đoàn 146 Hải quân xin gặp các bác, các chú – đồng đội của ba để vào bộ đội. Thủy muốn làm một việc gì đó nối tiếp con đường mà ba chị đã chọn. Các đồng đội của anh Phương đã giúp Thủy toại nguyện ước mơ. Tháng 10/2009, Thủy được nhận vào làm việc tại Lữ đoàn 146 Hải quân với chức vụ văn thư bảo mật. 5 tháng sau, Thủy theo tàu HQ-936 ra Trường Sa, đến vùng biển Gạc Ma nơi ba chị năm 1988 đã ngã xuống.

Được sống và làm việc ở đơn vị trước đây ba mình công tác, chị Trần Thị Thủy luôn tự hào. Điện thoại từ Vùng 4 Hải quân, chị nói trong niềm vui chen lẫn xúc động: “Em được về đây công tác từ năm 2009, vậy là mãn nguyện rồi. Mỗi lúc rảnh rỗi em lại đến nhà truyền thống của Lữ đoàn để xem hình ảnh của ba và đồng đội. Trong tim em luôn có dòng máu Trường Sa. Em thầm hứa sẽ phấn đấu thật tốt để xứng đáng với ba và các liệt sĩ Trường Sa”.


Mai Thắng


Những người lính bất tử - Kỳ 3: Đất chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng
Những người lính bất tử - Kỳ 3: Đất chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng

Giữa cận kề sự sống và cái chết, một bên là lính chiến Trung Quốc có vũ khí hiện đại, một bên là lòng dũng cảm và chí khí yêu nước, người chiến sĩ ấy quyết không lùi bước. Anh đã hô vang “Đất chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng” trước họng súng quân thù.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN